Hoàn chỉnh dự thảo sửa đổi Luật BHYT để trình Quốc hội thông qua vào chiều 27/11
18/11/2024 08:26 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 15/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn chỉnh dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT trình Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 8.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh quochoi.vn)
Nhiều nội dung đột phá, cơ bản đáp ứng quyền lợi của người dân
Sáng 15/11, cho ý kiến về dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh bày tỏ thống nhất với Báo cáo của Ủy ban Xã hội (UBXH).
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đóng góp ý kiến liên quan đến đối tượng được hưởng; phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT; quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức BHYT.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho hay, trong quá trình xây dựng Luật, BHXH Việt Nam phối hợp cùng Bộ Y tế, cơ quan Chính phủ tham mưu và hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Đặc biệt, sau khi các ĐBQH thảo luận ở hội trường, BHXH cũng đã phối hợp với UBXH hoàn thiện dự thảo.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa thông tin, dự thảo Luật đã đưa nhiều nội dung mang tính đột phá theo định hướng người dân có thẻ BHYT đi KCB, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của người dân. Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho ý kiến về đối tượng; phạm vi hưởng; quyền và trách nhiệm.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu (Ảnh quochoi.vn)
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới thống nhất với các nội dung của dự thảo Luật. Về quan điểm, Ủy ban nhất trí với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của UBXH và đồng ý với quan điểm dự luật đủ điều kiện thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Đối với quy định tại điểm e khoản 3 Điều 12 quy định về đối tượng tham gia BHYT, ông Lê Tấn Tới đề nghị bổ sung thêm đối tượng là "cựu Công an nhân dân".
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho ý kiến liên quan đến hiệu lực thi hành sau khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội bấm nút thông qua; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho ý kiến liên quan đến việc thu BHYT trường học.
Dự thảo Luật đã có sự đồng thuận cao
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp rất chặt chẽ với UBXH, cơ quan thẩm tra để tiếp thu, giải trình những ý kiến tại phiên hop UBTVQH lần trước, cũng như ý kiến phát biểu tại tổ của ĐBQH (Kỳ họp thứ 8). Đến thời điểm này những nội dung trong dự thảo đã có sự đồng thuận cao; một số ý kiến các đại biểu nêu, Bộ Y tế xin tiếp thu và cùng với UBXH rà soát.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu (Ảnh quochoi.vn)
Liên quan đến thời điểm Luật có hiệu lực từ 1/1/2025, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng rất xác đáng nhằm đồng bộ, tương thích với Luật KCB; đảm bảo không có khoảng trống pháp luật trong triển khai thực hiện.
Liên quan đến đối tượng tham gia BHYT, hiện có 2 luồng ý kiến. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, các cơ quan Chính phủ, Bộ Tư pháp, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế rất muốn đối tượng triển khai thực hiện ổn định trong thực tiễn cũng sẽ được đưa vào để thấy được đối tượng và quyền lợi của người dân tham gia BHYT.
Về chuyển tuyến, tiếp thu ý kiến của đại biểu tại phiên họp UBTVQ lần trước cũng như đánh giá sự ổn định, Bộ Y tế đã cùng với UBXH dự kiến các phương án, trường hợp chuyển tuyến và những trường hợp thuộc đối tượng bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân cần phải phẫu thuật thì thực hiện tuyến trên. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng trao đổi với các đại biểu xung quanh vấn về KCB từ xa, y học gia đình; mức hưởng BHYT…
Tại khoản 3 Điều 6 của dự thảo Luật quy nêu "Ban hành quy định, quy trình, hướng dẫn chuyên môn về KCB; rà soát và cập nhật thường xuyên hướng dẫn chẩn đoán và điều trị", nhưng cơ quan thẩm tra lại đề nghị "quy định đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ KCB". Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, chúng ta phải căn cứ vào quy định, quy trình, phác đồ điều trị mang tính chất khoa học. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị 2 phương án: 1 – giữ nguyên như đề xuất của cơ quan soạn thảo; 2 - Nếu cần thiết phải đánh giá thì chỉ quy định đánh giá về mặt nguyên tắc yêu cầu chung.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu (Ảnh quochoi.vn)
Bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, sau phiên họp này, cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu phát biểu và cố gắng trong hôm nay (15/11) sẽ gửi văn bản đến Ủy ban Pháp luật để rà soát về kỹ thuật; đồng thời báo cáo các Phó Chủ tịch Quốc hội để gửi văn bản sang Chính phủ để có ý kiến chính thức về dự thảo Luật.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, UBTVQH nhận định, dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được những mục tiêu, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật. UBTVQH đề nghị các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 8.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận (Ảnh quochoi.vn)
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Chính phủ trình tới Quốc hội sáng 24/10/2024 tại Kỳ họp thứ 8. Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật này. Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Dự kiến đến chiều 27/11/2024, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Cổng TTĐT BHXH Việt Nam
Ca khúc "Hát mãi khúc ca mùa xuân" đạt giải Cuộc ...
Bản tin của BHXH tỉnh Tuyên Quang - Chế độ tử tuất
Bản tin BHXH tỉnh Tuyên Quang - BHYT học sinh, ...
(Motion graphic) BHXH tự nguyện – Những điều cần ...